Recent Posts

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Người cách tân bánh tét

                                   Miền Bắc thì có bánh chưng
                                     Miền Nam bánh tét tưng bừng đón xuân!
     Đối với người miền Nam nói chung và người miền Tây nói riêng bánh tét là một món ăn-món quà không thể thiếu trên mâm cỗ gia tiên mỗi dịp đám giỗ và các ngày lễ Tết. Và giờ đây mỗi khi nhắc đến Cần Thơ sông nước, người ta không chỉ nghe mỗi câu ca dao quen thuộc "Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về" mà còn biết đến món bánh tét lá cẩm được xem là món bánh đặc trưng nổi bật, rất nhiều người dù chưa đến thăm Cần Thơ lần nào cũng đã nghe và biết đến. Món bánh tét đặc biệt này được bà Huỳnh Thị Trọng (còn được người dân trong vùng gọi bằng cái tên thân mật là bà Sáu Trọng) chính là người đã làm ra những chiếc bánh tét lá cẩm đầu tiên. Hơn 60 năm qua chỉ với một nghề duy nhất là gói bánh tét, bà đã gây dựng được cho mình một cơ ngơi khang trang, một nghề vững chãi để nuôi dạy con cháu khôn lớn nên người. Theo lời bà Sáu kể hồi đó nhà vô cùng nghèo, mẹ bà làm đủ các loại bánh, loại xôi, trong đó có bánh tét để hai mẹ con cùng đem đi bán. Bán dạo ở chợ dần dần cũng được mọi người yêu thích.
     Nếu những đòn bánh tét truyền thống được thực hiện khá đơn giản với lớp nếp bao quanh nhân mỡ, đậu xanh; bên ngoài bọc lớp lá chuối có dây lát buộc chặt thì bánh tét lá cẩm của bà Sáu Trọng khác xa từ màu sắc đến chất lượng.Theo lời bà Sáu Trọng, ngày trước mình từng tẩm lá cẩm vào xôi nếp để bán, được mọi người yêu thích thì bánh tét cũng có thể nên từ đó qua tay bà Sáu Trọng món bánh tét lá cẩm với màu tím quyến rũ được ra đời.
     Theo bà Sáu Trọng nghề làm bánh tét lá cẩm khá kỳ công, vì người thợ làm bánh phải đặc biệt tỉ mỉ trong tất cả mọi công đoạn để làm ra những chiếc bánh ngon. Bánh tét lá cẩm được tạo nên từ hai thành phần chính là vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh được làm từ nếp ngon loại I ngâm trong vòng sáu tiếng rồi để ráo, mang đi trộn với nước lá cẩm. Sau đó người thợ mới xào loại nếp đặc biệt này cùng với nước cốt dừa để màu của lá cẩm và vị thơm béo của nước cốt dừa ngấm đều vào từng hạt nếp. Phần nhân bánh là hỗn hợp của các loại nguyên liệu: lòng đỏ trứng muối, thịt nạc, mỡ, đậu xanh; đôi khi còn cho thêm tôm khô (khi có yêu cầu của thực khách). Lá chuối gói bánh sau khi rọc phải được rửa sạch và chọn lá không được non hoặc quá già. Tiếp đến là khâu buộc bánh, muốn bánh ngon phải buộc bằng dây nylon vì dây nylon có ưu điểm hơn dây lát là chắc-dễ buộc nên cho năng suất gói cao, chỉ vài phút là có thể buộc xong một đòn bánh. Cuối cùng là khâu nấu bánh vô cùng quan trọng, nồi bánh luôn được nấu bằng củi với thời gian từ 5 đến 6 tiếng mới chín.             

      Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các khâu trong quá trình làm bánh kết hợp với những loại nguyên liệu hấp dẫn cho nên dù là với những thực khách khó tính nhất, bánh tét lá cẩm vẫn có thể khiến họ cảm thấy hài lòng. Chỉ cần cắt bánh, nhìn vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng muối, mỡ và đậu xanh tỏa mùi thơm ngát thì bất cứ ai cũng muốn thưởng thức ngay.

      Vinh dự hơn nữa khi được vua đầu bếp Martin Yan-người nổi tiếng trong chương trình dạy nấu ăn trên sóng truyền hình nhiều nước chọn bánh tét lá cẩm của nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng số nhà 56 Thái Thị Nhạn (127/24 Nguyễn Thông cũ), phường An Thới, quận Bình Thủy là một trong ba món ăn dân dã Cần Thơ và được cục sở hữu trí tuệ Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bánh tét lá cẩm Cần Thơ vào tháng 07 năm 2014.







0 nhận xét:

Đăng nhận xét